KINH NGHIỆM GỬI CHUYỂN PHÁT NHANH QUA BƯU ĐIỆN EMS

Trước đây MS đã từng có 1 bài viết về việc chuyển phát bưu điện : http://vnso1blog.blogspot.com/toi-ghet-ems-viet-nam.html. Khi đó vì mới gửi chuyển phát qua bưu điện lần đầu, nên tính chém gió của bài viết hơi cao mà tính giáo dục và tổng hợp thì chưa đủ. Cho đến nay với kinh nghiệm kha khá, MS quyết tâm đưa ra 1 hướng dẫn cụ thể về việc gửi chuyển phát nhanh qua bưu điện tới các bẹn.
Việc gửi đồ đi xa với người chưa làm bao giờ có thể hình dung đơn giản rằng bạn đưa món đồ cần gửi tới văn phòng của 1 đơn vị chuyển phát, điền thông tin của người nhận vào vận đơn rồi trả tiền, chuyển đi và sau đó đợi người nhận thông báo lại đã nhận hàng vậy là xong. Nếu đơn giản như vậy thì đã chả có chuyện và MS cũng dek phải ngồi type dài dòng thế này làm gì. Phân loại kĩ ra thì các yếu tố của quá trình này bao gồm như sau:
A- Người gửi: Bạn gửi đồ cho người thân hay bán hàng
B- Người nhận:  như trên: người thân hay người mua hàng, vị trí địa lý ở : Tuyến thành phố hay tuyến huyện, vùng sâu vùng xa,...
C- Hàng hóa vận chuyển: đồ dễ vỡ hay không sợ đổ vỡ, có phải chất bột, chất lỏng hay không,..
D- Hình thức vận chuyển: Chuyển phát nhanh hay bình thường (chậm) hay hỏa tốc,..
E- Phí vận chuyển: Người gửi hay người nhận thanh toán
F- COD (Cash on Delivery): Dịch vụ thu tiền hộ, thường đối với việc bán hàng
G- Đơn vị chuyển phát: Bưu điện nhà nước hay các đơn vị khác.
....
Còn nhiều yếu tố phụ nữa như bạn có phải người kiên nhẫn hay là người dễ nổi nóng không, bạn có quen làm các thủ tục hành chính rườm rà , quan liêu hay không,..tất cả những yếu tố đầu (A đến F) và các yếu tố phụ đều ảnh hưởng đến yếu tố cuối cùng : đơn vị chuyển phát mà bạn chọn là gì. Hãy nhớ lấy lời MS ! Đơn vị chuyển phát là điều đầu tiên người ta nghĩ đến khi muốn gửi đồ. Hiện nay dịch vụ chuyển phát có rất nhiều, nhiều cơ quan đơn vị kinh doanh lĩnh vực này, thế  nhưng 1 thực tế là đối với số đông khi nhắc đến chuyển phát họ sẽ nghĩ ngay tới bưu điện, lý do bởi tuổi đời, sự phủ rộng (toàn quốc) của nó + sự thiếu kinh nghiệm và lười tìm hiểu của các bạn. Nói thế này cho nhanh, những kinh nghiệm của MS đưa ra ở đây nhằm tới đối tượng bắt buộc phải sử dụng dịch vụ chuyển phát của bưu điện. Nếu bạn đi gửi đồ và người nhận sống ở tuyến thành phố thì có rất nhiều sự lựa chọn về đơn vị chuyển phát, nhưng nếu ngược lại bạn gửi đồ về tuyến huyện, xã, vùng sâu vùng xa,... nhất là bắt buộc phải gửi đồ đi nếu bạn bán hàng và không muốn mất khách hàng chẳng hạn, như vậy người nông dân phải làm gì ? Sau đây là những việc cần thiết:

1- Xác định bưu cục để gửi đồ: Không phải tất cả các bưu cục đều cho gửi đồ cũng như không phải tất cả các bưu cục cho gửi đồ đều có hình thức COD. Nếu đã biết 1 vài địa điểm thì không sao nếu không, bạn có thể tra cứu danh sách bưu cục EMS Việt Nam tại địa phương của mình trên mạng (cảnh báo là thông tin không chính xác lắm - sẽ nói rõ trong mục sau - chúc bạn may mắn !). Tìm kiếm 1 bưu cục gần nơi bạn ở để lợi về khoảng cách di chuyển (thế nhưng chưa chắc đã hoàn toàn có lợi về mặt tinh thần !)

2- Xác định về thái độ phục vụ: Bạn sẽ bị củ hành (cũng có trường hợp may mắn ko bị nhưng cứ xác định trước như thế cho nhẹ đầu). Ô thế là thế điếu nào, tôi bỏ tiền ra sử dụng dịch vụ chuyển phát mà lại bị củ hành là sâu là sâu ? Lý do đó là cơ quan nhà nước bao cấp, mỗi bưu cục do 1 người phụ trách , mỗi người 1 tính 1 nết, người thì dễ , người thì khó tính như ma. Trong mỗi bưu cục sẽ có từ 2 đến 5 nhân viên (toàn là nữ). Các bạn nhân viên này phải làm việc theo những quy định quan liêu và thiếu khoa học dẫn đến nhiều lúc quá tải + ảnh hưởng tâm trạng ví như hôm nay bị thằng bán thịt cân điêu, tối qua chồng ko nộp thuế đầy đủ,... dẫn đến thái độ với khách hàng cũng thất thường.Bạn sẽ bị hành về hàng hóa gửi đi, về cách gói bọc đồ, ... Theo kinh nghiệm của MS nếu bạn ở Hà Nội thì bưu cục Lương Văn Can là bưu cục dễ chịu nhất, hàng hóa chuyển đi không bị hạch sách nhiều, có lẽ ở vị trí đó nhiều người nước ngoài tới chuyển bưu phẩm nên khâu củ hành cũng được làm nhẹ, đáng tiếc là ở bưu cục Lương Văn Can không nhận COD ! Tiếp nữa khi vào 1 bưu cục hãy để ý trong số các nhân viên ở đó người nào có vẻ dễ dãi hơn (thường là các bạn có nhan sắc tốt hơn các bạn còn lại, các bạn nhân viên bưu điện thường có nhan sắc thuộc loại không dễ nhìn cho lắm - kinh nghiệm đấy !) thì hãy cố gắng làm việc với người đó, tỉ lệ thành công của phương án này khả dĩ hơn, khoảng trên 60% bạn sẽ không bị tổn thương tinh thần .

Kể thêm 1 câu chuyện hơi dài dòng 1 chút từ kinh nghiệm bản thân để minh họa cho sự "củ hành " đó: MS có gửi 1 túi thuốc Đông Y (dạng bột tán) kích thước nhỏ khoảng 6x10cm tại bưu cục Cống Vị. Lần đầu tiên MS yêu cầu chuyển phát thường (chậm) và nhận được câu trả lời sao không chuyển phát nhanh đi, chuyển phát thường lâu lắm đấy ! Bình thường MS cũng đã từng gửi thường món đồ như thế trên bưu cục Lương Văn Can, trên đó nhân viên cho đồ vào 1 cái phong bì thư, dập ghim lại, xong ! Ở đây MS được chỉ bảo thêm là với món đồ như thế phải chuyển phát nhanh thì họ sẽ cấp cho 1 cái phong bì dày dặn hơn để cho hàng vào đó mới ko bị bục ra. OK, lần sau MS tới cũng với món đồ đó và yêu cầu chuyển phát nhanh, câu trả lời nhận được là hàng phải được bọc vào mới được cho vào phong bì, dkm ! MS về mua giấy xi măng như hướng dẫn đem ra thì được phán tiếp là bọc thế này nhỏ quá, phải đủ kích thước = 1 cái phong bì thư cơ, mịa nó chứ hàng của người ta bé thế này thì nhét thêm cái gì cho nó to bằng phong bì thư, nhìn sang bên cạnh có 1 chú gửi đi cái gì bé tí như linh kiện điện tử cũng đang nghệt hết cả mặt. Cố 1 lần nữa MS về nhồi nhét cho món đồ to lên rồi đem ra thì bị đập vào mặt câu trả lời rằng phong bì thư thì để gửi tài liệu thôi hàng không cho vào được, muốn gửi hàng thì lại phải điền thế này thế này,...Tổ sư nhà chị sao không nói mẹ nó hết từ đầu, MS đọc lại quy định về hàng gửi trên cả website lẫn đằng sau vận đơn, tóm lại là tất cả những thông tin công khai về quy định hàng hóa gửi đi qua bưu điện điếu có chỗ nào nói đến những thứ đó cả :|

3- Xác định về thủ tục phức tạp, quan liêu: Bạn sẽ phải làm việc với những quy định quan liêu, thiếu khoa học và cực kì ngu xuẩn. Ngay từ cái vận đơn đã thể hiện sự thiếu thông minh này, nếu bạn gửi thường (cái mà chính nhân viên bưu điện khuyến khích đừng nên sử dụng) bạn sẽ không có đủ chỗ để điền thông tin người nhận người gửi trừ khi bạn luyện được thư pháp viết chữ liti như nghệ nhân khắc bút. Vận đơn dành cho chuyển phát nhanh thì có dễ thở hơn chút nhưng so với thủ tục của 1 số đơn vị chuyển phát khác thì nó vẫn như 1 trò hề đóng dấu bảo thủ cứng nhắc, tiếp đến là việc gói bọc hàng hóa, có thể thấy qua ví dụ ở câu chuyện trên, nói thêm là bên bưu điện đặc biệt ưa thích dùng giấy xi măng làm giấy gói hàng và luôn chỉ định người gửi dùng loại giấy đó coi như quy định (mặc dù đọc lòi mắt chả có chỗ nào viết như thế). Nếu muốn mua giấy xi măng các bạn có thể ra hàng tạp hóa, ở Hà Nội bạn có thể lên Hàng Cân mua với giá 1800 đồng/ 1 tờ kích thước khoảng 0,7x0,9m hoặc 1500 đồng/ 1 tờ nếu mua nhiều. MS có nói chuyện với 1 chủ hàng trên đó, bà ta nói "bọn bưu điện toàn mua của chị giá 1600đ 1 tờ, chúng nó về bán cho người gửi đồ 5000đ 1 tờ đấy !" . Vậy đó là lý do cho quy định bất thành văn dùng giấy xi măng gói hàng của bưu điện. Nếu bạn mua giấy để tự bọc đồ của mình thì lưu ý đừng bọc ở nhà vì khi đem gửi sẽ bị hoạnh họe là hàng gì, mở ra cho xem nào, thế là mất công xé bỏ lớp giấy bọc và sau đó tất nhiên nhân viên bưu điện sẽ bọc lại cho bạn với 1 chi phí nhất định 5000 đ/ 1 tờ + công bọc đồ, như đã nói. Giải pháp thứ 2 là bạn đem hàng đến gửi lúc bưu cục đang đông khách bạn sẽ có cơ hội đỡ bị chú ý đến cách gói bọc đồ hơn, nhưng bạn sẽ phải đợi lâu hơn và nhân viên bưu cục vì phải làm việc quá tải cũng sẽ có thái độ khó chịu hơn.

Để làm rõ MS sẽ đưa ra so sánh nội dung thủ tục chuyển phát của chuyển phát nhanh Kerry (không phải là quảng cáo đâu nhé, thực tế cũng có nhiều người cũng có kêu ca về dịch vụ của Kerry- trước là Tín thành- nhưng so với bưu điện thì các bạn bưu điện nhà ta còn phải gọi bằng bố): vận đơn của Kerry rất rõ ràng và có nhiều khoảng trống để điền thông tin thoải mái, phân chia các hình thức chuyển phát dễ dàng và bạn chỉ phải điền duy nhất 1 lần. Nếu là bưu điện, ngoài việc điền vào vận đơn bạn còn phải điền lên trên hàng hóa gửi đi nữa. Nếu bạn muốn người nhận trả phí vận chuyển, với Kerry bạn chỉ cần nói với nhân viên rằng người nhận thanh toán cước phí đơn hàng này, sẽ có mục đánh dấu trên vận đơn cho người thanh toán, thế là xong. Nếu là bưu điện bạn sẽ cần 1 số điều kiện để kí hợp đồng cho việc người nhận thanh toán hàng hóa mà bạn gửi đi (những điều kiện này cũng được hướng dẫn mỗi nơi 1 kiểu, nó thuộc về đặc tính thông - tin - khó - hiểu của bưu điện, cũng sẽ được nói rõ trong phần sau). Cách thứ 2 là bạn dùng dịch vụ COD của bưu điện để thu lại chính tiền cước phí vận chuyển đó, ví dụ như sau: Bạn gửi 1 món đồ qua bưu điện vào Sài Gòn hết cước phí 20K, bạn muốn người nhận trả cước phí đó, phí thu hộ 20K đó cho bạn sẽ khoảng 15K như vậy bạn sẽ yêu cầu nhân viên bưu điện ghi trong vận đơn (hoặc lúc bận thì nhân viên bưu điện bắt bạn viết luôn) rằng thu hộ bạn 35K (20 + 15). Sau đó bạn rút tiền túi đưa cho nhân viên nhận đơn hàng 35K, 1 tuần sau nếu bưu phẩm của bạn đến tay người nhận mà ko có vấn đề gì (hỏng, thất lạc) bạn vác cái vận đơn đó cùng CMT nhân dân ra bưu cục lấy lại 35K. Quá nhiêu khê phải không, bên cạnh việc chỉ mất 1 câu nói và người nhận chỉ phải trả 20K so với 1 đống thời gian và thủ tục lằng nhằng trong khi người nhận phải trả tới 35K :?.

 So sánh cuối cùng thể hiện sự quan liêu và thiếu khoa học của chuyển phát bưu điện là phong bì chuyển phát : trên phong bì truyển phát của Kerry có in sẵn số điện thoại, địa chỉ liên lạc của bưu cục phát, cho đồ vào đó (tất nhiên ko bị hoạnh họe về cách gói đồ), trên miệng phong bì có miếng băng dính 2 mặt, lột ra dán vào là xong. Bưu điện hả, bạn phải điền lại 1 lần nữa thông tin người gửi người nhận lên phong bì, dán vào ah, thè lưỡi ra mà liếm, hài hước nữa là sau đó nhân viên bưu điện vẫn dập ghim  phần miệng phong bì lại nhưng nhiều chỗ nếu bạn chưa dán phong bì  (bằng lưỡi của bạn) thì nhân viên vẫn không chịu nhận , bố lũ quan liêu dở hơi :|. 

Tại sao không làm được 1 việc đơn giản là nhân viên phát bưu phẩm kiêm luôn thu tiền cước phí vận chuyển ? Phải chăng việc đó không an toàn, rằng lãnh đạo bưu điện không muốn bưu tá thu tiền cước phí bởi ăn cắp của khách hàng (và cả ăn cắp của cơ quan) vốn đã là nét đẹp văn hóa doanh nghiệp của cơ quan nhà nước ?

4- Xác định về chất lượng dịch vụ: Dựa trên kinh nghiệm gửi đồ qua bưu điện không dưới 200 lần của bản thân, MS mạnh dạn đưa lại nhận xét : chất lượng của dịch vụ chuyển phát bưu điện như CỨT !  Điều này các bạn có thể tham khảo thêm thông tin nhiều nguồn, để có thể thấy ý kiến của MS đưa ra là không phóng đại. Trước hết là thời gian chuyển phát, cái mà gọi là chuyển phát NHANH của bưu điện có nghĩa là cứ từ từ, tất cả các đơn hàng chuyển phát nhanh của MS gửi qua bưu điện không có cái nào dưới 3 ngày tất cả các tuyến dù thành phố hay tuyến huyện (khi bạn hỏi chuyển phát nhanh mất bao nhiêu thời gian, nhân viên bưu điện sẽ trả lời tối đa là 2 ngày). Đã có đơn hàng của MS gửi từ Hà Nội về thành phố Hải Phòng mất đúng 2 tuần, thề điếu nói phét ! Như vậy bạn có thể suy ra chuyển phát bình thường qua bưu điện sẽ mất bao nhiêu thời gian. Thông tin thêm, thời gian chuyển phát của nhiều đơn vị khác mà MS đã sử dụng để gửi đồ về tuyến thành phố trung bình là 1,5 ngày, nhiều nhất là 2 ngày. Lưu ý, nếu bạn đi gửi đồ vào thứ 6 đồng nghĩa thứ 2 tuần sau hàng của bạn mới được chuyển đi, nhân viên dịch vụ bưu điện có chế độ làm việc rất mẫu mực: nghỉ thứ 7, chủ nhật toàn hệ thống và tranh thủ làm thêm trong giờ hành chính, MS đã từng tận mắt thấy nhân viên bưu cục Nghĩa Tân mua thịt ngay tại văn phòng, người nào tiếp khách cứ tiếp khách, người mua thịt vẫn vô tư sờ nắn thịt sấn mông hay chân giò, rất vui mắt !


Tiếp đến là việc hàng hóa gửi đi bị thất lạc, hư hỏng, thực ra đây là tình trạng chung của nhiều đơn vị chuyển phát, không phải riêng của bưu điện, vấn đề là ở thái độ trách nhiệm. Nếu bạn gửi 1 món đồ dễ vỡ chẳng hạn, với 1 dịch vụ chuyển phát thông thường, sau khi cho nhân viên biết thông tin đồ của mình dễ vỡ, nhân viên tiếp nhận sẽ đánh dấu vào mục "đồ dễ vỡ" trên vận đơn, thậm chí dán thêm tem "hàng dễ vỡ" lên trên món đồ để phân loại khi vận chuyển. Với bưu điện bạn sẽ chỉ cần kí vào 1 bản cam kết rằng "nếu đồ chuyển đi bị hư hỏng thì sẽ không khiếu nại" - 1 sự từ chối trách nhiệm ngay và luôn ! Còn việc hàng hóa thất lạc thì không phải là chuyện lạ, tại thời điểm đang viết bài này MS vẫn còn 1 đơn hàng gửi từ Hà Nội về Vĩnh Phúc (cũng thuộc Hà Nội mới) bị thất lạc hơn 3 tuần không biết đi đâu :|. Vì vậy kinh nghiệm ở đây là phải biết tự lo cho hàng hóa của mình trước tiên: bọc hàng cẩn thận, tất nhiên là sau màn hoạnh họe về đồ gửi của nhân viên bưu điện. Ghi địa chỉ, số điện thoại người nhận thật chính xác để giảm thiểu rủi ro hàng gửi bị gửi nhầm tới nơi khác (các bạn chữ xấu hãy chú ý !). Ngoài ra căn dặn người để ý tới điện thoại của mình vì mặc định nhân viên bưu điện đi giao hàng nếu 2 lần không gọi được cho người nhận người ta sẽ không chuyển nữa.Nếu nhân viên phát hàng phụ trách 1 khu vực địa bàn hẹp (xã, thôn, xóm,..chẳng hạn) thì họ có khả năng nhớ tên và địa chỉ hầu hết mọi người trong khu vực mà họ phụ trách, còn nếu ở khu vực rộng hơn thì 100% cam đoan với các bạn nếu không liên lạc được đến lần thứ 2 họ sẽ quẳng đồ của bạn để chuyển hoàn ngay ! Nhớ là đây chỉ để giảm đi rủi ro, không có nghĩa là khi bạn gói bọc cẩn thận, điền thông tin sạch đẹp nắn nót mà món đồ của bạn gửi đi đến được tay người nhận nguyên vẹn. Hãy nhìn người ta đối sử với hàng hóa của bạn thế nào khi bốc dỡ ở sân bay hay lên xuống ô tô bạn sẽ hiểu ngay ý MS nói gì. Rủi ro thất lạc còn đến từ nhiều yếu tố, như nhân viên tiếp nhận vì đang bực mình với thằng bán thịt ôi lỡ tay quẳng gói hàng của bạn vào giỏ hàng đi nước ngoài hay anh bưu tá vui mồm uống thêm dăm chén rượu trước khi nhận hàng,...

5- Xác định về việc liên lạc thông tin : Bạn nghĩ rằng bưu điện thuộc ngành gì, bưu chính viễn thông phải không ? Như vậy việc thông tin liên lạc qua bưu điện chắc phải dễ dàng ? MS lúc trước cũng ngây thơ tin tưởng như vậy, he he :D. Khi gửi đồ xong chắc chắn bạn sẽ muốn theo dõi xem hàng hóa mình gửi đi thế nào, đến tay người nhận hay chưa, nếu có gì trục trặc thì phải liên hện với ai, gọi điện thoại cho số nào,.... Vì vậy lời khuyên đưa ra ở đây là khi bạn đi gửi hàng qua bưu điện hãy hỏi chính xác nhân viên ở đó số điện thoại của bưu cục bạn đến gửi, thậm chí cả số điện thoại của bưu cục cuối cùng mà hàng gửi được chuyển đến, ngoài ra bạn có thể gọi điện tới tổng đài chăm sóc khách hàng của bưu điện qua số 1900545481 để hỏi thông tin. Tại sao cần cẩn thận như vậy, MS sẽ trả lời ngay cho bạn rằng là vì việc liên lạc thông tin với bưu điện cực kì mù mờ ,rắc rối và vô trách nhiệm. Nếu cứ bình thường trong thời gian "nhanh" là 3,4 ngày hàng đến tay người nhận thì không sao, giả sử đồ không đến nơi , bị chuyển hoàn hay thất lạc,vv,.. thì đừng hòng bên bưu điện gọi điện thông báo cho bạn. Đến khi người mà bạn gửi đồ alo phàn nàn rằng hàng chưa thấy gửi đến, lúc ấy bạn mới bắt đầu dò tìm số điện thoại để hỏi thì mất thời gian vô cùng. Bạn cười MS vì nghĩ rằng tìm 1 số điện thoại như vậy thì quá đơn giản, xin thưa rằng mời bạn đọc lại dòng trên "việc liên lạc thông tin với bưu điện cực kì mù mờ ,rắc rối và vô trách nhiệm" . 

Để lấy 1 ví dụ cụ thể, MS lại kể 1 câu chuyện dài dòng nữa: Khi 1 món hàng MS gửi về Hải Phòng không đến tay người nhận. MS (khi đó chưa có kinh nghiệm) lên trang chủ của chuyển phát nhanh bưu điện http://ems.com.vn/ để tìm số điện thoại liên hệ. Thậm chí hôm đó vì trên công ty đang sửa chữa cáp internet nên MS phải gọi điện nhờ người khác lên tra giùm số đt liên hệ đó. Phần footer dưới cùng có ghi số điện thoại trung tâm là (04)3838 3838, MS gọi cho số đó thì tò te tí liên tục, trong phần giới thiệu (mà mãi mới tìm ra) thì cũng địa chỉ đó lại có số đt khác (04) 3757 5577, số này gọi cũng tò te tí nốt. Buổi chiều hôm đó khi đã có mạng, MS search ra số điện thoại tổng đài chăm sóc khách hàng như trên và gọi tới (cái này mất phí 500đ/1 phút) nghe nhạc chờ chán chê rồi cũng được tiếp chuyện. MS thắc mắc về đơn hàng đó thì nhân viên bảo đợi kiểm tra, lại đợi vêu cả phễu mất mấy phút nữa (500đ/ 1 phút đấy !) thì nhân viên trả lời là hàng này chưa phát đến nơi anh ạ ! Quên mất không nói với các bạn, như bất kì đơn vị chuyển phát nào trên vận đơn cũng có mã số, người gửi có thể lên website của đơn vị đó nhập mã số và tra cứu hành trình, và tất nhiên MS cũng đã lên tra cứu. Như vậy mấy bạn chăm sóc khách hàng cũng chỉ tra cứu như MS và phán thôi. Nản quá MS xin số điện thoại của bưu cục nơi hàng gửi đến, nhân viên nghe máy liền cho 1 số điện thoại cố định (lại đợi thêm 1 lúc nữa), và MS bấm máy gọi thì các bạn biết đấy lại tò te tí. Vì hàng hóa gửi đi rồi, không thể bỏ cuộc nên  MS lại lên mạng tìm số điện thoại của bưu điện Hải Phòng, bạn biết thế nào không, trình tự lặp lại y hệt rằng bạn sẽ tìm được 2,3 số điện thoại cho cũng 1 bưu cục và không gọi được số nào cả. Mãi về sau mới có 1 số nghe máy, MS trình bày và nhận được câu trả lời là hãy gọi cho 1 số di động, chị này phụ trách vấn đề đó. MS gọi cho  bà chị kia (lần thứ 3 mới được )thì được trả lời chị đang ở Hà Nội, e gọi cho số cố định này của bộ phận chuyển phát hoặc gọi cho số di động của anh trưởng bộ phận. Thấy chỉ dẫn có vẻ tận tình MS nghĩ bụng chắc lần này may ra giải quyết được vấn đề, bèn gọi cho số di động trước- gọi cho xếp chắc giải quyết nhanh hơn :D - tắt máy. Gọi cho số cố định kia thì may quá được trả lời rằng chị cho em số điện thoại của bưu tá phát hàng khu vực. Cuối cùng MS gọi cho ông bưu tá kia thì ông ta nói tôi đã nhận được hàng đâu mà phát, hàng vẫn trong kho đấy, trên mạng nó ghi vậy thôi , vcc,..! Bạn thấy như vậy đã đủ chưa, bonus thêm 1 ví dụ nữa, khi gửi đồ qua bưu cục Cống Vị và cũng bị thất lạc, MS tra số đt của bưu cục đó và kết quả ra được 3, 4 số cố định tò te tí, các bạn Gúc thử xem có đúng không, sai thì MS xin gọi bạn bằng bố ! Cuối cùng là nếu hàng hóa bị chuyển hoàn hoặc bị thất lạc bạn sẽ phải ra bưu cục nơi mà bạn gửi đồ để khiếu nại, nhân viên ở đó sẽ ghi lại số điện thoại của bạn và bảo liên lạc sau khi có thông tin. Bạn hãy cứ hiểu rằng "liên lạc sau" tức là "không bao giờ", cho nên gặp phải trường hợp ấy bạn phải chịu khó chạy đi chạy lại kêu gào đến bao giờ hàng hóa được tìm thấy (hiếm khi) hoặc hàng chuyển hoàn về đế nơi (khá lâu  sau) để lấy lại hàng.

Trên đây là 1 số kinh nghiệm khi gửi chuyển phát nhanh qua bưu điện nhà nước. Bài học rút ra là, nếu bạn cần chuyển đồ về tuyến thành phố: hãy tránh xa cái anh bưu điện nhà nước này, có thể cước phí đắt hơn chút xíu nhưng hãy tin MS, bạn sẽ được lợi về tinh thần khá nhiều. Trường hợp còn lại, chuyển đồ về tuyến huyện, xã, vùng sâu vùng xa mà bạn bắt buộc phải dùng chuyển phát nhanh bưu điện thì hãy chuẩn bị sẵn sàng tư tưởng và ghi nhớ những yếu tố ở trên. Tất nhiên không phải hoàn toàn lúc nào việc đồ qua bưu điện cũng gặp tất cả những rắc rối đã nêu, hay tất cả các vấn đề kể trên đều đúng trong mọi trường hợp (ví dụ chưa chắc nhân viên có nhan sắc nổi trội hơn đã dễ tính hơn hay 1 ngày đẹp trời mọi việc đều trôi chảy chẳng hạn). Tuy vậy hãy xác định trước cho nhẹ đầu , rằng việc chuyển phát nhanh qua bưu điện có nhiều nguy cơ khôn lường, việc hàng hóa đến tay người nhận thuận lợi hay không có lẽ phụ thuộc vào - như dân chơi game vẫn nói - chỉ số Luck (may mắn) của bạn. 

Cũng khó hiểu rằng tại sao thời buổi thị trường này mà 1 đơn vị dịch vụ với phong cách làm việc như vậy có thể tồn tại. MS không hề phóng đại quá đáng, tất cả đều dựa trên thực tế. Thậm chí MS có người thân từng làm giám đốc bưu điện huyện, bố của người ấy từng làm giám đốc bưu điện tỉnh nhưng thực sự khó mà thông cảm với kiểu làm ăn như vậy. Chỉ là do công việc đôi khi vẫn phải phụ thuộc vào cơ quan bưu điện nhưng chắc chắn sẽ có những đơn vị chuyển phát khác đạt được quy mô và chất lượng dịch vụ vượt trội, mấy ông nhà nước cứ ngồi đó mà thẩm du đi. Hãy nhìn Fed Ex đánh bại American Express như thế nào ! Fuck U, EMS Vietnam !
UPDATE: nhiều bạn đặt các câu hỏi về việc chuyển phát bưu điện. MS có trả lời 1 số câu hỏi dựa trên kinh nghiệm cá nhân. 1 số câu hỏi ko được thông minh lắm , kiểu như mấy tuổi thì được phép gửi bưu điện ??!! Những câu đó xin phép không trả lời. 
Tất cả những quan điểm ở trên dành cho các khách hàng cá nhân. Để được phục vụ tốt hơn bạn cần làm 1 khách hàng lớn của vnpost hay bất kì đơn vị chuyển phát nào. Kí hợp đồng và đảm bảo doanh số ổn định, khoảng 15 triệu tiền cước phí hàng tháng bạn sẽ được coi như ông tướng ! Bạn sẽ có quyền đàm phán chiết khấu, thỏa thuận thời gian thanh toán, hình thức co-working sao cho có lợi nhất. Bạn sẽ được chửi lại nhân viên bưu điện. Mọi khách hàng chuyển phát đều bình đẳng, nhưng người có cước phí cao hơn và ổn định sẽ bình đẳng hơn các bạn còn lại.